Các tuyên bố cho rằng “phần mềm nguồn mở không đáng tin cậy” là không trung thực. Vào năm 2006 (thời điểm của bài viết này – và hiện giờ là năm 2016), với hơn 120.000 dự án phần mềm trên SourceForge, thật ngớ ngẩn để đưa ra một kết luận chung về chất lượng của phần mềm mã nguồn mở. Một người có thể dễ dàng phát biểu rằng “phần mềm độc quyền (mã nguồn đóng) là đáng tin cậy”, mặc cho kinh nghiệm của người đó có thể dễ dàng bác bỏ các quan niệm sai lầm như vậy. Thực tế là hầu hết phần mềm (mã nguồn mở cũng như độc quyền) đều có chất lượng không được hoàn hảo từ quan điểm của người sử dụng. 

Các sản phẩm phần mềm (cả mã nguồn mở và độc quyền) có nhiều mức chất lượng khác nhau: một dự án mã nguồn mở cho 5 người dùng có chất lượng khác xa so với dự án máy chủ web Apache (chạy phần lớn các trang web trên Internet).  Các nhận định về chất lượng mà các nhà sản xuất phần mềm độc quyền nguồn đóng đưa ra để đánh giá một phần mềm nguồn mở (OSS) thường là các rào cản để làm cho một dự án OSS thành công trở thành một sản phẩm được các doanh nghiệp chấp nhận rộng rãi, đó là: độ chịu lỗi, bảo mật, tích hợp, tuân thủ các tiêu chuẩn ngành, hiệu suất, độ mở rộng, khả năng sử dụng, dễ cấu hình, dễ quản trị, v.v… Chỉ có một số dự án mã nguồn mở (và cũng chỉ có một số phần mềm độc quyền nguồn đóng) đạt được mức độ này.

Tuy nhiên một số phần mềm mã nguồn mở – ví dụ như Apache, Linux, Firefox – một cách không cần nghi ngờ gì đều có khả năng thay thế và vượt lên các phần mềm độc quyền cùng chức năng. Trong việc đạt đến một chất lượng “cực cao” như vậy, phần mềm nguồn mở là một tài sản chứ không phải là một trở ngại!

Kiểm tra mã nguồn. Để đảm bảo chất lượng phần mềm, không có gì tốt bằng việc nhà phát triển có trách nhiệm cải tiến mã nguồn dựa trên các đánh giá từ cộng đồng. Các sản phẩm vượt qua được các đánh giá này sẽ có kiến trúc đẹp hơn, rõ ràng hơn, làm cho chúng trở thành một tài sản đầu tư dài hạn tốt hơn. (Điều ngược lại cũng đúng – các nhà sản xuất phần mềm độc quyền nguồn đóng ngược lại lo lắng rằng mã nguồn mở sẽ làm cho kiến trúc của họ rối tung và có chất lượng thấp, cũng như lo lắng về doanh thu từ giấy phép bản quyền sử dụng của họ sẽ bị giảm khi công khai mã nguồn).

Tính minh bạch trong việc quản lý chất lượng và phát triển phần mềm. Các dự án / nhà cung cấp mã nguồn mở có nhiều khả năng mở các cơ sở dữ liệu về các lỗi phần mềm đang có, cung cấp giao tiếp cởi mở giữa các nhà phát triển và người dùng (thông qua các diễn đàn), cũng như mở các quy trình phát triển, xây dựng và thử nghiệm. Bằng cách mời người dùng vào “nhà máy sản xuất”, nguồn mở ít nhất cũng chào đón sự tham gia và phản hồi nhiều hơn.

Thứ mà tôi không chấp nhận là lập luận của các nhà sản xuất phần mềm nguồn đóng độc quyền là phần mềm nguồn mở thiếu trách nhiệm trong việc theo đuổi chất lượng phần mềm. Có lẽ lý do thực sự của họ là phần mềm nguồn mở quá rẻ nên không thể đầu tư thỏa đáng vào việc quản lý chất lượng (QA). Đây là một khoảng cách giữa các nhà phát triển phần mềm nguồn mở nghiệp dư và các nhà phát triển phần mềm nguồn mở chuyên nghiệp như Redhat, Zimbra, MySQL, IBM, Oracle.  Chúng tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đã đầu tư, tính theo tỉ lệ phần trăm trên lợi nhuận, vào công tác QA nhiều hơn các nhà phát triển phần mềm nguồn đóng. Thêm vào đó là sự đóng góp của công đồng nguồn mở cho công tác QA, và bạn có thể thấy tại sao một số giải pháp nguồn mở là người dẫn đầu về chất lượng chứ không chỉ là kẻ bám đuổi phía sau.

Kết luận: chất lượng phần mềm có sự khác biệt giữa các sản phẩm cho dù là nguồn mở hay nguồn đóng độc quyền, do vậy (1) bạn cần có khả năng thực hiện việc kiểm tra của riêng bạn để đảm bảo rằng chất lượng phần mềm này là phù hợp với nhu cầu của bạn và (2) giữa các giải pháp nguồn mở  và nguồn đóng độc quyền tương ứng, thì mã nguồn mở có nhiều khả năng cung cấp chất lượng cao hơn cho cùng mức đầu tư của bạn.

Nguồn: Zimbra Blog